Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm (Seventh-day Adventist Church) thể hiện niềm tin chủ yếu là Chúa Giê-Su sẽ tái lâm.
Qua đó, các Tín đồ giữ trọn vẹn 10 điều răn, giữ lòng tin nơi Chúa Giê-Xu và đề cao về lãnh vực sức khỏe. Đây là Giáo Hội cải chánh và phục hưng các giá trị truyền thống của Kinh Thánh như: các tín đồ thờ phượng, nghỉ ngơi vào ngày Sa-bát thứ 7 thay vì Chủ Nhật như lời truyền khẩu.
Với việc nghiên cứu lời tiên tri 2.300 năm trong Đa-ni-ên 8:14 và 1.260 năm trong Khải Huyền, phong trào Cơ Đốc Phục Lâm đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 1.844 với sứ mạng của 3 vị Thiên sứ trong sách Khải Huyền.
Giáo Hội Toàn Cầu hiện có mặt tại 205 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổ chức 4 cấp từ Địa hạt, Liên Hiệp Hội, Tổng Hội và Toàn Cầu Tổng Hội. Toàn Cầu Tổng Hội đang điều hành 7.883 trường học từ mẫu giáo đến đại học, 173 bệnh viện , dưỡng đường, 63 nhà in với 924 ngôn ngữ, 148 đài phát thanh và truyền hình.
Năm 1916, Việt Nam thuộc khu vực truyền giáo của Liên Hiệp Hội Hoa Nam, trụ sở tại Hồng Kong. Truyền đạo Tân Kia Ou được cử vào Việt Nam, ông tổ chức trường Sa-bat tại khu vực Chợ Lớn thuộc thành phố Sài Gòn cho cộng đồng người Hoa. Đến năm 1928, khu vực Truyền giáo Việt Nam được giao về cho Liên Hiệp Hội, trụ sở tại Singapore. Mục sư R.H. Wentland cùng gia đình vào truyền giáo ở Việt Nam. Văn phòng đặt tại số 97 Champagne. Năm 1929, Việt Nam chính thức được Liên Hiệp Hội Đông Nam Á thừa nhận đủ tiêu chuẩn thành lập Giáo Hội. Tháng 4/1932, Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam được tư cách pháp nhân với giấy phép do thống đốc Nam Kỳ cấp. Sau đó, mục sư hội trưởng F.L.Picket là hội trưởng đầu tiên của Giáo Hội, khi biết bị bệnh nan y, ông đã tình nguyện phục vụ Chúa và chọn Việt Nam là quê hương. Ông mất năm 1938, được an tán tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi – Sài Gòn.
Các hoạt động của Giáo Hội trong các thời kỳ:
• Từ 1932 – 1940: nhiều cuộc truyền giảng được tổ chức, các Hội Thánh Vàm Nhon, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Nẵng, Đức Mỹ, Hà Nội, Đà Lạt, Bon-Rum, Lâm Đồng và khóa thần đạo (1938) được thành lập.
• Từ 1941 – 1947: thành lập nhà bảo sanh Liên Khương – Chợ Lớn (1942), nhà xuất bản Thời Triệu ấn quán, Hội Thánh Chợ Lớn cho cộng đồng người Hoa (1941), Hội Thánh Lôi Cầu – Hưng Yên (1942)
• Từ 1947 – 1954: thành lập Hội Thánh Biên Hòa, tháng 8/1943 dời văn phòng Giáo Hội, nhà in Thời Triệu, nhà thờ Phú Nhuận về cơ sở mới mua tại số 02 Võ Tánh (nay là số 02 Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận), 1948 dời văn phòng Giáo Hội về biệt thự mới mua tại số 224 đường Liên Tỉnh Lộ 22 (nay là 224 Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận), xây dựng mới nhà thờ Chợ Lớn, Phú Nhuận, Đà Lạt, Bàn Cờ, thành lập trung tâm huấn luyện Cơ Đốc với khoa thần đạo và điều dưỡng, thành lập trường trung – tiểu học Cơ Đốc tại Phú Nhuận và trường tiểu học Cơ Đốc tại Chợ Lớn, tổ chức chương trình Tiếng Nói Hy Vọng học hàm thụ, thành lập chương trình phát thanh Tiếng Nói Hy Vọng trên đài Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, Huế bằng tiếng Việt và tiếng Hoa.
• 1954 – 1959: Giáo Hội mua 29.129m2 đất tại 273 Nguyễn Văn Trỗi – Phú Nhuận để xây dựng trường trung – tiểu học Cơ Đốc, trung tâm huấn luyện Cơ Đốc, bệnh viện Cơ Đốc và nhà thờ Cách Mạng.
• 1959 – 1975: Giáo Hội trùng tu và xây mới 28 nhà thờ, thành lập 18 trường trung – tiểu học Cơ Đốc, trang bị các máy in hiện đại cho nhà in Thời Triệu, phát triển trên 100 thư báo truyền đạo, đóng 5 tàu thư báo bán sách báo đạo, giáo dục, y tế. Thành lập trường Sa-bat tại làng cô nhi Long Thành với 1.000 người, tổ chức hỗ trợ tài chánh cho cô nhi tại gia.
• Từ 1975 đến nay: sau khi thống nhất đất nước, Giáo Hội đã bàn giao các cơ sở với máy móc hiện đại như: bệnh viện Cơ Đốc, nhà in Thời Triệu ấn quán, các trường trung – tiểu học Cơ Đốc cho các cơ quan y tế, văn hóa, giáo dục của nhà nước để tiếp tục hoạt động. Giáo Hội chỉ quản lý các nhà thờ và Điểm nhóm.
Trong giai đoạn nầy, Giáo Hội được cấp giấy quyết định công nhận tổ chức tôn giáo số 235/QĐ-TGCP do Ban Tôn Giáo Chính Phủ thừa ủy quyền Thủ Tướng cấp ngày 4/12/2008. Giáo Hội tổ chức Đại hội đồng lần I nhiệm kỳ 2008 – 2012, Đại hội đồng lần II nhiệm kỳ 2012 – 2015, Đại hội đồng lần III nhiệm kỳ 2015 – 2020. Giáo Hội cùng các Hội Thánh và Điểm nhóm đều tham gia công tác từ thiện nhân đạo, y tế, giáo dục tại các địa phương trong các phong trào: hiến máu nhân đạo, bữa cơm cho người nghèo, người già, giúp người neo đơn, tàn tật, hỗ trợ quỹ vì người nghèo, tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Giáo Hội đã xây dựng các nhà thờ và nhà nguyện mới, khang trang trên các tỉnh và thành phố của cả nước. Ngày 02/8/2017 Giáo Hội cũng đã thành lập trường Kinh Thánh Cơ Đốc để huấn luyện những người chuyên hoạt động tôn giáo. Hội trưởng Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm hiện nay là mục sư Trần Thanh Truyện. Giáo Hội hiện có các Hội Thánh và Điểm nhóm tại 33 tỉnh thành của cả nước từ Điện Biên, Sơn La đến Phú Quốc, Cà Mau với 16 Hội Thánh và 191 Điểm nhóm. Văn phòng trung ương hiện tại 224 Phan Đăng Lưu, Phường 3, Quận Phú Nhuận, Tp.HCM. Mục đích lớn nhất của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam là thực hiện sự yêu thương mọi người bằng việc tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, rao giảng sự cứu rỗi và sự trở lại của Chúa Giê-Su Cơ Đốc. Đây cũng là đức tin cực kỳ quan trọng và là niềm hy vọng lớn lao của các tín đồ Cơ Đốc trên toàn thế giới từ xưa đến nay.